Chỉ mình Piaggio mới có thể tạo ra những phiên bản đặc biệt mà khiến fan hâm mộ sốt sắng đến vậy. Vespa Racing Sixties có 2 phiên bản: Sprint ABS và GTS 300 với giá bán lần lượt là 94,9 và 120 triệu đồng.
Âm vang từ quá khứ
Thập niên 60 đã mở đầu cho một kỷ nguyên huyền thoại trong lĩnh vực của động cơ và tốc độ. Nhờ vào những công nghệ tối tân ở thời điểm đó, những chiếc xe đua thập niên 60 nhanh hơn rất nhiều so với thập niên trước. Chúng ta có cuộc đua huyền thoại của Ford GT và Ferrari 330 P3 trên đường đua Le Mans. Trên đường đua F1, chúng ta có một thập kỷ lịch sử với hàng loạt cái tên kinh điển: Stirling Moss, Bruce McLaren, John Surtees, Jack Brabham, Dan Gurney, Phill Hill, Denny Hulme, Jackie Stewart, Graham Hill và Jim Clark. Không thể tìm thấy một đội hình toàn siêu sao như vậy trong thế giới F1 hiện đại!
Trong thế giới xe hai bánh, thập niên 60 cũng là một thời kỳ vàng son. Đó là thời kỳ mà những chiếc xe đua 2 bánh đạt được hiệu suất mạnh mẽ và luật lệ đua xe vẫn còn khá “lỏng lẻo”, dẫn đến những cuộc đua vô cùng phóng khoáng và cảm xúc. Các phiên bản Vespa Racing 60s đã tái hiện rõ nét phong cách xe đua thể thao của các tay lái lịch lãm thập niên 60, thập niên của tinh thần tự chủ và sự tự do thể hiện cá tính qua những chiếc xe đua.
Dòng xe GTS được thừa hưởng trọn vẹn DNA xe đua thể thao của Vespa, và hoàn toàn thích hợp để phát triển thành phiên bản “Racing Sixties”. Phong cách hoài cổ, thể thao và riêng biệt, phiên bản "Racing Sixties" với màu sắc và các họa tiết được chọn thường gắn liền với niềm tự hào quốc gia dân tộc, cách phối màu của từng đội thường rất riêng biệt và dễ nhận diện, kèm theo hình ảnh của các thương hiệu đồng hành cùng đội đua trên đường đến chiến thắng.
Vespa GTS Super Racing Sixties được trang bị động cơ i-Get 150 và HPE 300 phân khối mạnh mẽ cùng hệ thống dừng tạm thời start-stop. Thiết kế mới và nổi bật ở nhiều chi tiết như yên xe mới, vành bánh xe sơn vàng, biểu tượng mới "Racing Sixtites", cùng các chi tiết sơn đen nhám như tay nắm sau, bộ kính chiếu hậu, ốp viền đèn trước, sau, viền khung xe, ốp mào, bộ ngàm phanh dưới, ốp ống xả và gác chân người ngồi sau. Hai màu sắc trên Vespa GTS Super Racing Sixties là sắc xanh huyền thoại Green Bosco và Trắng White Innocenza.
Vespa Sprint Racing Sixties – Biểu tượng thời trang
Chiếc Vespa đầu tiên được thiết kế bởi Corradino D'Ascanio, một cựu kỹ sư máy bay. Ngay khi chiếc Vespa đầu tiên ra đời, nó đã gây ấn tượng mạnh bởi thiết kế thép dập nguyên khối đặc biệt của nó – thứ chưa từng xuất hiện trên một mẫu xe 2 bánh nào trước đó. Thân xe, nắp che động cơ và yếm xe đều được làm bằng thép dập và kết nối với nhau thành một khối đồng nhất, tạo nên sự chắc chắn và bền bỉ vượt trội so với kiểu thiết kế khung xe thông thường. Sàn xe phẳng, tay lái cao khiến người lái rất dễ điều khiển chiếc Vespa, dù họ là phụ nữ mặc váy hay những quý ông mặc suit. Hai tấm che động cơ vừa giúp bùn đất không bắn lên quần áo người ngồi, khiến bạn có thể thoải mái sử dụng xe kể cả khi trời mưa. Những đường nét đơn giản nhưng đầy tinh tế đã song hành cùng hàng chục thế hệ Vespa trong hơn 70 năm qua.
Kể từ khi ra đời vào năm 1946, dòng xe Vespa nhanh chóng gặt hái thành công trên phạm vi toàn cầu. Năm 1956, 1 triệu chiếc Vespa xuất xưởng và đến năm 1970, chiếc Vespa thứ 4 triệu chính thức được sản xuất. Tính đến nay, Piaggio đã sản xuất hơn 18 triệu chiếc Vespa và biến dòng scooter này trở thành một trong những mẫu xe bán chạy nhất trong lịch sử. Đóng góp vào thành công đó là những mẫu xe huyền thoại như Vespa 50 hay Vespa GS 150 và ở thời hiện đại, Vespa Sprint là một trong những dòng xe nổi bật nhất trong gia đình Vespa thân hẹp. Phiên bản giới hạn Sprint Racing Sixties có giá bán 94,9 triệu đồng, cao hơn phiên bản Sprint Carbon 16,4 triệu đồng.
Về kích thước tổng thể, Vespa Sprint Racing Sixties có chiều dài 1.863 mm, chiều rộng 695 mm, chiều cao yên 790 mm. Chiều cao yên của Vespa Sprint Racing Sixties cùng với trọng lượng xe 120 kg khiến mẫu xe này chỉ phù hợp với người có chiều cao trên mức trung bình. Dù vậy, hệ thống treo êm ái với giảm xóc sau 4 mức điều chỉnh và bộ lốp bản rộng với tiết diện 110 mm trước, 120 mm sau sẽ khiến người lái tận hưởng hành trình thoải mái và êm ái với Vespa Sprint Racing Sixties ở bất kỳ địa hình nào.
Điểm nhấn của những chiếc Vespa hiện đại chính là khối động cơ iGet mới. Những khối động cơ của dòng Vespa đã được thử nghiệm hơn 1 triệu kilomét trước khi thương mại hóa. Từng chi tiết được tối ưu hóa để giảm ma sát, giảm hao phí công suất và giảm độ ồn. Đặc biệt, ECU của động cơ iGet được bổ sung cả 1 cảm biến áp suất khí quyển để đảm bảo buồng đốt luôn cháy tối ưu dù chiếc xe đang hoạt động ở cao độ nào.
Bên cạnh đó, tấm ốp hộp số CVT được tái thiết kế để giảm tiếng ồn, độ rung và tăng tính ổn định ở tốc độ cao. Những thay đổi trên được áp dụng để những chiếc Vespa hoạt động tối ưu trong điều kiện môi trường Việt Nam. Với hàng loạt nâng cấp đáng kể, phiên bản iGet 150 phân khối có công suất tối đa 12,5 mã lực và đạt mô-men xoắn cực đại 12,12 Nm.
Khi lần đầu tiên vặn thốc ga chiếc Sprint Racing Sixties, tôi đã hơi giật mình vì chiếc xe phản ứng gần như tức thì! Gia tốc của chiếc scooter này ngay từ nước ga đầu là rất tốt, hoàn toàn có thể khiến một vài anh chàng cưỡi xe côn tay 150 phân khối phải bẽ mặt! Tại đường thử riêng, Vespa Sprint S duy trì khả năng tăng tốc ấn tượng cho đến 80 km/h rồi giảm dần. Đây là hiệu năng hoàn toàn đủ để thỏa mãn khả năng đi phố cũng như đi đường trường của khách hàng Việt. Khối động cơ mới dường như cũng bớt nóng hơn dù vẫn chỉ được làm mát bằng không khí. Dù vậy, khi cần lấy đồ trong yên xe thì bạn mới cảm nhận rõ ràng sức nóng của động cơ iGet. Tốt nhất là bạn không nên để điện thoại hay sạc dự phòng trong cốp xe.
Vespa GTS Racing Sixties – Đam mê và phấn khích
Nếu như Sprint là biến thể thiên về thời trang thì GTS chính là phiên bản Vespa được sinh ra để đồng hành cùng phái mạnh. Trái với thiết kế khá trung tính (unisex) của các dòng Vespa như LX, Sprint, những chiếc Vespa GTS Super được định hướng rõ ràng đến cánh mày râu, những người trẻ năng động, mạnh mẽ, yêu cảm giác tự do và khoáng đạt.
Mới đây, Piaggio Việt Nam đã trình làng một tượng đài mới trong dòng GTS: chiếc Vespa GTS Racing Sixties với giá bán niêm yết 120 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với đối thủ chính Honda SH300i (270 triệu đồng – mức giá cao của SH300i vì đây xe nhập khẩu nguyên chiếc, trong khi Vespa GTS được lắp ráp trong nước). Ít ai biết rằng dòng xe Vespa GTS là mẫu xe hai bánh trên 125cc bán chạy thứ nhì tại châu Âu, chỉ sau huyền thoại BMW GS. Thật ngạc nhiên, đúng không? Vượt qua hàng trăm mẫu xe khác, từ những chiếc superbike thét ra lửa cho đến các dòng naked vạm vỡ, Vespa GTS có doanh số chỉ thua kém đúng một dòng xe!
Vespa GTS 300 Racing Sixties hiện chỉ có 2 màu sắc là xanh lá cây và trắng với điểm nhấn là các chi tiết sơn màu vàng tươi hoặc đỏ nhằm phân biệt phiên bản cao cấp nhất này với các dòng GTS khác. Đây là 1 chiếc scooter tương đối to lớn với bề rộng tay lái lên tới 755 mm cùng chiều cao yên 790 mm. Thế nên, Vespa GTS 300 Racing Sixties sẽ rất phù hợp với một người đàn ông cao từ 1m75 trở lên, và một chiếc Vespa Sprint hay LX sẽ phù hợp với thể trạng phụ nữ Việt hơn.
Trở lại với dòng GTS, mẫu xe này toát nên vẻ nam tính đặc trưng với yếm xe vạm vỡ, cơ bắp hơn và được bổ sung khe tản nhiệt ở hai bên. Phần nắp che động cơ cũng to lớn, đậm nét hơn, mang đến ngoại hình đầy cơ bắp nhưng vẫn vô cùng lịch lãm. Yên xe cũng rộng, dài và uốn lượn hơn, đi kèm với ngăn chứa đồ rộng rãi hơn nhiều so với dòng LX. Nếu thấy một chiếc Vespa GTS đỗ bên đường, bạn sẽ đoán ngay rằng chủ nhân của nó là một gã đàn ông bảnh bao và có gu thời trang!
Tất nhiên, hệ thống ABS 2 kênh trước sau cũng là trang bị tiêu chuẩn trên Vespa GTS 300 Racing Sixties. Đây là kết quả hợp tác giữa Piaggio và Bosch. Với công nghệ ABS, hệ thống phanh sẽ giúp chiếc xe không bị bó cứng trong trường hợp phanh gấp hoặc đường trơn trượt. Cả 2 đĩa phanh trước sau cùng với đường kính 220 mm đều có 1 vòng tròn nhỏ ở bên trong đĩa phanh và một cảm biến, chiếc xe sẽ ghi lại tốc độ quay của bánh xe, so sánh nó với tốc độ của chiếc xe chạy trên đường. Khi người lái bóp phanh trước, hệ thống ABS bắt đầu so sánh hai tốc độ nói trên. Khi tốc độ của bánh xe chậm hơn tốc độ xe chạy, tức là bánh trước đang có hiện tượng trượt trên mặt đường, phanh sẽ nhả ra để bánh xe không trượt mà tiếp tục lăn và ngay lập tức phanh trở lại.
Piaggio là tập đoàn đầu tiên đưa công nghệ kiểm soát lực kéo chủ động (ASR) vào một mẫu scooter, khởi đầu với dòng Vespa GTS. Về cơ bản, máy tính sẽ đo đạc vận tốc của bánh trước và bánh sau. Nếu bánh sau có tốc độ quay cao hơn, tức là khi nó bị trượt, máy tính sẽ tự động cắt giảm công suất động cơ để ngăn chặn hiện tượng trượt bánh. Dù với nhiều “tay lái lụa” thì việc trang bị kiểm soát lực kéo cho một chiếc scooter hơn 20 mã lực chẳng khác nào “dùng dao mổ trâu để giết gà”, nhưng với những người dùng phổ thông, việc có thêm 1 hệ thống an toàn hoạt động song song với ABS chắc chắn là điểm cộng lớn, giúp họ an tâm hơn khi cầm lái.
Nâng cấp quan trọng nhất của GTS 300 Racing Sixties là khối động cơ 278 phân khối HPE – High Performance Engine. Đây là một biến thể nâng cấp từ máy Quasar vốn đã rất quen thuộc với người chơi Vespa chứ không phải là một dòng động cơ hoàn toàn mới. Dù chỉ là một bản nâng cấp nhưng HPE sở hữu rất nhiều cải tiến, đủ để mang lại trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Cần lưu ý là tại Việt Nam, chỉ phiên bản Racing Sixties và phiên bản SuperTech là sở hữu động cơ HPE, các phiên bản khác của dòng Vespa GTS vẫn sử dụng động cơ Quasar.
Như đã nói ở trên, HPE là một sự cải tiến của Quasar. Đầu xy-lanh mới hoàn toàn với hệ thống trục cam được tái thiết kế nhằm phục vụ tốt nhu cầu phối khí của các van nạp, xả mới có đường kính lớn hơn 3mm so với máy Quasar. Đường dẫn khí nạp cũng được tạo hình để tối ưu lực mô-men xoắn ở tua vòng thấp. Động cơ HPE hoạt động với ECU của Magneti Marelli và cải tiến cuối cùng là các bugi Iridum mới. Tất cả những cải tiến trên mang lại công suất tối đa 23,8 mã lực tại 8.250 vòng/phút và lực mô-men xoắn cực đại 26 Nm tại 5.250 vòng/phút. Những thông số này tốt hơn động cơ Quasar cũ lần lượt là 12% và 18%, những con số rất ấn tượng!
Để tận dụng hết khả năng của khối động cơ HPE, hộp số vô cấp của GTS 300 Racing Sixties cũng được cải tiến với dây đai bền bỉ hơn và các chi tiết dẫn động đều được giảm ma sát. Tất cả được gói trong lớp vỏ hộp số được phủ 1 lớp vật liệu chống ồn đặc biệt. Trải nghiệm thực tế của tôi cho thấy chiếc Vespa GTS 300 SuperTech êm ái hơn hẳn khi vận hành, nhất là khi vặn ga thốc. Sự êm ái này là điểm cộng đối với đại đa số người tiêu dùng phổ thông, nhưng sẽ có một vài fan cuồng của Vespa sẽ thấy nhớ những tiếng pạch pạch đặc trưng từ thời Vespa còn sử dụng động cơ 2 thì.
Khi trải nghiệm thực tế, khối động cơ mới dường như cũng bớt nóng hơn Quasar, dù hơi nóng phả ra vị trí đùi người lái cũng vẫn tương đối khó chịu, nhất là khi trời nắng nóng. Dù vậy, tôi dễ dàng bỏ qua sự khó chịu bởi hơi nóng khi đẩy nhanh tốc độ cầm lái. Chiếc xe rất “ngoan”, tuân theo từng cú vặn ga với độ chính xác tay ga đến đáng ngạc nhiên. Chiếc Vespa đầu bảng này có khung vỏ thép cứng cáp, kết hợp với hệ thống treo được tinh chỉnh kỹ lưỡng nên vô cùng êm ái, dù tôi thường xuyên chạy qua những tuyến đường đang thi công. Đầu xe nhẹ và linh hoạt, cảm giác mặt đường truyền lên tay lái cũng rất tốt, khiến tôi cảm thấy tự tin lả lướt với chiếc Vespa. Đây là sự thanh thoát khác hẳn với cảm giác lái Honda SH300i, dù trên giấy tờ, Vespa GTS 300 SuperTech thậm chí còn nặng hơn đối thủ 1 chút. Tất nhiên, nếu thử tăng tốc thẳng, Honda SH300i nhỉnh hơn một chút.
Kết luận
Một chiếc Vespa vẫn sẽ luôn là biểu tượng thời trang, là đại diện cho một phong cách sống. Dù vậy, ở thời hiện đại, biểu tượng Vespa không còn đỏng đảnh và khó chiều như trước nữa. Những chiếc Vespa thời nay đã ngoan hiền, êm ái và bền bỉ hơn nhiều so với những thế hệ trước đó. Có người sẽ gọi đó là “mất chất” nhưng đối với tôi, đó là sự thay đổi để phù hợp với thời đại mới. Một biểu tượng nếu muốn tồn tại lâu bền thì phải biết cách tự làm mới bản thân nhưng không đánh mất giá trị truyền thống. Thế giới 4 bánh có Porsche 911, thế giới 2 bánh có Vespa!